Chùa Bút Tháp
Chùa Bút Tháp, tên chữ là Ninh Phúc tự, được biết đến là một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, vẫn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay. Ngôi chùa tọa lạc trên khu đất cao, rộng, bằng phẳng, nằm kề bên bờ nam Sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Xây dựng từ thế kỷ XIV với diện tích khoảng 10.000m2, chùa Bút Tháp có kiến trúc độc đáo, bố cục hài hòa với môi trường thiên nhiên và rất sinh động. Cũng như nhiều ngôi chùa cổ phía Bắc, chùa Bút Tháp được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, với các công trình kiến trúc được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm. Công trình ngoài cùng là tam quan, có kiến trúc tương đối giản dị. Tiếp đó là gác chuông 2 tầng 8 mái. Sau gác chuông là 7 tòa nhà nối tiếp nhau: Tiền Đường, Thiên Hương, Thượng điện, Tích Thiện Am, nhà Trung, Phủ thờ, Hậu đường với tổng chiều dài hơn 100 mét.
Trong chùa còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật và tượng Phật giáo như tượng các vị Bồ Tát, tượng Hộ Pháp, tượng các vị La Hán... Nổi bật và được xem là độc nhất vô nhị ở Việt Nam là pho tượng Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, đây là một kiệt tác hàng đầu về nghệ thuật tạc tượng làm nổi bật triết lý nhà Phật. Tượng cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và hơn 900 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau. Mỗi bàn tay lại có một con mắt đen láy, nhịp điệu mỗi cánh tay cũng khác nhau, cả nghìn tay nghìn mắt nhìn tổng thể như những vòng hào quang tỏa ra.